Xử lý rác thải nhựa đúng cách là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm lượng rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Thế nhưng xử lý như thế nào là đúng cách và hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong bài viết sau.
Các biện pháp giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường
Xử lý rác thải nhựa hạn chế ô nhiễm
Các sản phẩm làm từ nhựa có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ. Vì thế việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống là điều không thể thực hiện được. Thay vào đó, hãy hạn chế sử dụng đồ nhựa và nâng cao khả năng xử lý, tái chế rác thải nhựa bằng những biện pháp sau:
Tái sử dụng đồ nhựa
Thay vì dùng một lần và vất đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp bạn thỏa sức sáng tạo như:
– Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,… Tuy nhiên lưu ý là vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… thì tuyệt đối không nên tái sử dụng.
– Tái sử dụng đồ nhựa, chai nhựa làm đồ trang trí như: ống cắm bút, chậu hoa,… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.
Phân loại từ đầu nguồn để tái chế
Nhiều người hiện vẫn có một thói quen đó là để chung các loại rác thải với nhau thay vì phân loại rác thải. Việc để chung này mang đến nhiều khó khăn như:
– Gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa
– Gây tốn kém thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý.
– Làm rác thải nhựa bị lẫn, bị bẩn và có thể phải chôn hoặc đốt gây nên những tác động xấu đến môi trường.
Việc phân loại rác thải là rất cần thiết để tái chế, xử lý hiệu quả nhất. Vì vậy mỗi cá nhân hãy chú ý hãy phân loại rác thải ngay từ hôm nay!
Hạn chế tối đa việc đốt rác thải nhựa tại nhà
Trong chất thải nhựa có một hàm lượng lớn carbon và hidro, khi đốt sẽ tạo ra những chất độc nguy hiểm cho con người. Có thể gây ra bệnh: giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và thậm chí là ung thư. Ngoài ra, những hợp chất hữu cơ bay hơi như VOCs, dioxin, furan có trong quá trình đốt rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí. Về lâu dài sẽ có khả năng gây ảnh hưởng tới tầng ozone.
Trong khi đó ở các đơn vị xử lý rác thải sẽ sử dụng lò hơi chuyên dụng với nhiệt độ cao từ 2000 – 3000 độ C, tại nhiệt độ cao thì các chất độc hại sẽ bị phân hủy. Ngoài ra, các lò đốt rác sẽ sử dụng thêm công nghệ xử lý khí thải tích hợp trong lò, hạn chế tối đa chất độc hại lan ra ngoài môi trường.
Ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa
– Giảm lượng rác thải nhựa phát sinh: Muốn vậy chúng ta cần thay đổi thói quen và hành vi của mỗi người, hạn chế dùng đồ làm từ nhựa và chỉ sử dụng nhựa khi thực sự cần thiết. Hãy xây dựng những thói quen tốt như sử dụng túi vải, đồ bằng sứ, thủy tinh, gỗ thay cho đồ nhựa.
– Tái sử dụng ngay khi có thể: Dù có tác động không tốt đến môi trường thì đồ nhựa có ưu điểm là khả năng chống chịu tốt và bền. Vì thế hãy tái chế và sử dụng lại những đồ nhựa trong cuộc sống hàng ngày để góp phần giảm lượng rác thải nhựa.
– Thu gom và tái chế tối đa: Việc phân loại và thu gom từ đầu nguồn giúp giảm thiểu được lượng rác thải nhựa, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất mới…
– Nâng cao ý thức người dân: Có thể nói ý thức người dân là yếu tố quyết định đến việc giảm lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường. Vì thế các bộ, ban, ngành cùng các doanh nghiệp… cần phải đồng lòng, chung tay tuyên truyền, giáo dục đến từng người dân.
Xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế mỗi người hãy chung tay, thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn!