Rác thải nhựa tràn lan hiện là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Nhất là khi rác thải nhựa mang đến rất nhiều nguy hại môi trường và sức khỏe con người. Tại Việt Nam, tình trạng rác thải nhựa cũng đang dấy lên hồi chuông cảnh báo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!
Rác thải nhựa ở Việt Nam
1. Tình trạng sản xuất và tiêu thụ nhựa tại Việt Nam:
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ nhựa trong cuộc sống hằng ngày cao hàng đầu thế giới. Báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết vào năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ đến 5 triệu tấn nhựa.
Con số tiêu thụ này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 1990 – 2018, nếu như năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 3,8 kg nhựa/năm thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 41,3 kg nhựa/năm.
2. Thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam:
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).
Đơn cử như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Trong đó, cứ 4.000 – 5.000 tấn rác thải mỗi ngày thì đã có 7% – 8% là rác thải nhựa, nilon.
Với thực trạng xả rác thải nhựa như vậy, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng.
3. Thực trạng xử lý, tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam:
Việc xử lý, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, lạc hậu và có nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế (Theo ông Đặng Huy Đông – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong khi việc xử lý theo cách chôn, lấp, đốt có rất nhiều nhược điểm, gây hại cho môi trường, con người. Những vấn đề mà việc xử lý, tái chế rác thải nhựa gặp phải có thể nhắc đến:
Lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải nhựa ở nước ta chưa phát triển, quy mô còn nhỏ lẻ, diễn ra chủ yếu ở một số doanh nghiệp nhỏ. Những đơn vị này có vốn đầu tư hạn chế, công nghệ đã lỗi thời, thiếu kế hoạch… nên hiệu quả chưa có.
Cùng với đó, người dân thiếu ý thức trong việc phân loại rác thải ngay tại nguồn gây nhiều khó khăn cho phân loại, xử lý và tái chế. Như trong 3.000 tấn rác đem đi tái chế ở thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ thu được 50 – 60 tấn nhựa tái sinh chất lượng thấp (Theo thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam).